Tin tức




Đồ chơi cho trẻ sơ sinh

Từng món đồ chơi sẽ góp phần vào sự phát triển của bé, với điều kiện là bạn phải biết ở thời điểm nào thì chúng tương ứng với khả năng của bé.

Từ 0 đến 3 tháng: Bạn nên cho bé chơi các món đồ chơi bằng cao su vì đồ này mềm, bé có thể chơi thoải mái. Qua đó trẻ sơ sinh sẽ biết đến cái vui của chuyện nhai mút. Hơn nữa, trẻ rất thích làm như thế.

Búp bê bằng vải cũng rất lý tưởng để phát triển giác quan sờ mó. Bạn nên chọn loại búp bê có thể lau rửa được như nhung, satin… Ngoài ra, ở 6 tuần tuổi, bé đã nhạy cảm với âm thanh. Bạn hãy chọn một hộp nhạc có giai điệu nhẹ nhàng và du dương. Để bé có thể nghe tốt hơn, hãy đặt hộp nhạc bên cạnh bé.

Từ 2 tháng tuổi, bé đã bắt đầu quan sát. Hãy đặt cách mắt bé 30 cm món đồ chơi chuyển động để bé có thể ngắm nhìn thỏa thích.

Từ 3 đến 6 tháng tuổi: Từ 3 tháng tuổi, bé có thể cầm nắm, lắc nhẹ đồ chơi lúc lắc mà không sợ nguy hiểm cho mắt. Bạn hãy bắt đầu bằng cách đưa cho bé cầm đồ chơi trong tay và lắc nhẹ để kích thích óc tò mò của bé. Hiệu quả hơn, bạn nên chọn đồ chơi có lục lạc.

Những dạng hình học đủ màu sắc và những nhân vật nhỏ sẽ kích thích thị lực và những chuyển động khi bé tìm cách nắm bắt.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, bạn nên kiểm tra chữ EC hoặc CE (tức phù hợp với tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu) có ghi trên bao bì hay không. Nên luôn tôn trọng độ tuổi sử dụng được nhà sản xuất ghi trên món đồ chơi.

Tuy nhiên, cần chú ý một món đồ chơi có quá nhiều bộ phận lắp ráp dễ bị bé nuốt vào miệng. Đồ chơi bằng gỗ không được có những sần sùi lồi lõm và sơn không được tróc vảy. Nên sử dụng búp bê bằng vải hơn là thú nhồi bông để tránh dị ứng.

Lắp đặt đồ chơi theo đúng chỉ dẫn. Các giàn treo đồ chơi rất nguy hiểm nếu không được gắn chặt. Nên chọn những món đồ chơi nhẹ không làm bé bị thương khi rớt ra.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)



Thận trọng khi mua đồ chơi cho trẻ

Khi lựa chọn đồ chơi, điều đầu tiên bạn cần nghĩ đến là sự an toàn của món đồ đó. Đồ chơi phải đảm bảo an toàn cho mọi lứa tuổi, tính giáo dục phù hợp với trẻ em trong từng giai đoạn, lại đúng sở thích và phát huy được khả năng của trẻ.

Không phải cứ đồ chơi đắt tiền là tốt. Trẻ nhỏ thường thích đồ chơi đơn giản, màu sắc sặc sỡ. Đôi khi bạn có thể tận dụng các đồ linh tinh trong gia đình cho trẻ chơi mà trẻ vẫn rất hài lòng. Bạn có thể chọn một số thứ trẻ thích, sau đó cất bớt đi, kể cả đồ chơi đã dùng rồi. Một thời gian sau đem ra cho trẻ chơi. Trẻ của bạn luôn thấy như mới và háo hức với đồ chơi của mình.

Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và kiểm tra tính năng của đồ chơi, loại ngay những món đồ chơi mà bạn không biết nó hoạt động như thế nào. Chỉ khi cảm nhận chắc chắn từng món đồ bạn lựa chọn là phù hợp với lứa tuổi và khả năng của cháu, bạn hãy quyết định mua.

Cần thận trọng với các loại đồ chơi sau:

Đồ chơi dạng dây treo: Một số loại dây ở đồ chơi khiến cho trẻ khi nghịch có thể thít tay, chân hay thậm chí cả cổ, nếu nó đủ độ dài. Chỉ cũi và xe đẩy cần có dây treo bởi trẻ nhỏ đang ẵm ngửa hay mới tập đi nhất thiết phải có dây treo, dây buộc an toàn cho trẻ.

Đồ chơi nhỏ hay các bộ phận nhỏ của đồ chơi: Những đồ chơi nhỏ hay các bộ phận nhỏ của đồ chơi làm cho trẻ có thể cho vào miệng khi chơi. Điều đó rất nguy hiểm, có thể gây nghẹn, tắc cổ hay ngạt thở. Trẻ cũng có thể nhét các đồ chơi đó vào tai hoặc mũi. Vì thế, không nên cho trẻ dưới 3 tuổi chơi những hạt bi ve, hạt xúc sắc, quả bóng nhỏ hay các bộ phận của đồ chơi. Thậm chí các con thú nhồi bông hay những đồ chơi bằng sắt cũng rất nguy hiểm nếu kích thước quá nhỏ, các bộ phận có thể tháo lắp được. Đối với thú có lông thì phải đảm bảo lông thú không rụng bay vào mắt mũi trẻ và các nguyên liệu nhồi bên trong đồ chơi không bị thoát ra ngoài.

Bóng: Bóng cũng là món đồ chơi đòi hỏi sự chú ý quan tâm của bạn khi trẻ chơi. Không bao giờ cho phép trẻ nhét bóng đã thổi vào mồm. Bóng bị xịt hay nổ có thể bất ngờ làm trẻ bị nghẹt thở.

Đồ chơi dễ vỡ: Không nên cho trẻ em chơi những đồ chơi dễ vỡ khi kéo, giật, hay đập. Hãy chọn đồ chơi làm bằng chất liệu tốt, bền, mềm mại, không góc cạnh. Không nên để trong tầm tay trẻ nhỏ dưới 8 tuổi những món đồ chơi làm bằng thủy tinh làm trẻ chú ý.

Đồ lưỡi sắc, mũi nhọn: Không nên mua cho trẻ những đồ chơi có góc cạnh, sắc hay có mũi nhọn. Các mũi tên, ngọn phi tiêu cho trẻ lớn tuổi cũng cần được bịt cao su ở đầu hoặc bọc các đầu bảo vệ khác. Người lớn nên kiểm soát khi trẻ chơi không để trẻ nhét những đồ chơi đó vào trong người khi chạy nhảy.

Tiếng ồn: Một số đồ chơi như súng, ôtô gây tiếng ồn lớn có thể gây tổn thương đến thính giác của trẻ khiến cho trẻ hoảng sợ. Khi chọn mua đồ chơi, hãy xem mức độ âm thanh của đồ chơi đó có lớn quá đối với trẻ không.

Đồ chơi độc hại: hơi như pháo, hoa, phẩm mầu, hồ dán, keo và một số đồ gỗ hóa chất có thể gây độc hại cho trẻ.

Vật bay: Đồ chơi dùng để phi, bay hoặc bắn vào trong không khí có thể đâm vào đầu hoặc mắt trẻ. Trẻ trên 8 tuổi có thể chơi các loại đồ chơi này nhưng nên chơi ở ngoài trời nơi rộng rãi và nên có người lớn ở bên.

Đồ điện tử: Đồ chơi điện tử thường sử dụng nguồn điện đặc biệt nên phải cẩn thận. Khi trẻ chơi, nhất thiết phải có người lớn chơi cùng. Trẻ có thể bị điện giật hoặc bỏng khi chơi do không để ý đến nguồn điện hoặc ổ điện không an toàn. Trẻ dưới 8 tuổi không nên chơi các loại đồ chơi này.

Sử dụng đồ chơi cũ:
Khi tận dụng lại các đồ chơi cũ, bạn hãy kiểm tra xem đồ chơi đó còn hoạt động tốt không và an toàn không. Có một số đồ chơi được các hãng tung ra sau đó được cảnh báo về tốc độ nguy hiểm của sản phẩm.

(Theo Thanh Niên)

Nhận biết đồ chơi an toàn cho bé

Nếu con bạn thường cho mọi thứ nó vớ được vào miệng thì bạn nhớ tránh xa những đồ chơi có kích thước nhỏ hoặc các bộ phận của đồ dễ long, dứt ra được.
Với trẻ em, đồ chơi là một tài sản rất quý giá. Nó không chỉ giúp các bé được vui vẻ mà còn kích thích sự phát triển trí não của trẻ. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, con bạn có thể bị tổn thương từ chính những đồ chơi này. Bạn hãy tham khảo vài hướng dẫn dưới đây khi lựa chọn đồ chơi an toàn, hữu ích cho bé:

Đồ chơi phải phù hợp với mức độ phát triển của bé
Hầu hết trên các đồ chơi đều ghi nên sử dụng cho độ tuổi nào và đây là điều đầu tiên bạn cần chú ý khi lựa chọn. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải dựa vào khả năng và mức phát triển thực tế của con để mua cho bé một món đồ phù hợp với lứa tuổi. Chẳng hạn, những khẩu súng phun nước không bao giờ nên đưa cho các bé dưới 4 tuổi nhưng ngay cả khi con bạn đã 6 tuổi mà chưa điều khiển được các động tác tay thuần thục thì cũng không nên chơi các đồ này. Tương tự như vậy, nếu con bạn 3 tuổi mà vẫn đưa mọi thứ vào miệng thì hãy tiếp tục tránh xa những đồ chơi có các bộ phận hay mảnh nhỏ.

Những đồ chơi có kích thước lớn
Với các bé dưới 3 tuổi, bạn nên chọn những đồ chơi hoặc bộ phận của nó (nếu có thể tách ra) lớn hơn miệng trẻ để bé không bị hóc, nghẹn. Để xác định kiểu đồ chơi nào dễ gây nguy cơ này, bạn thử lồng nó qua lõi của cuộn giấy vệ sinh, nếu đồ vừa được bên trong thì không an toàn với bé.

Để ý đến cân nặng của đồ chơi
Con bạn có thể bị tổn thương nếu như đồ chơi đó rơi vào người không? Nếu có, hãy bỏ nó đi.

Đồ chơi phải chắc chắn, các bộ phận dính khít với nhau
Nếu mua thú nhồi bông cho con, bạn hãy kiểm tra kỹ xem phần đuôi đã được dính chắc chắn vào thân chưa, liệu lớp màu bên ngoài có bị long tróc? Ngoài ra, bạn cũng đừng chọn những con thú có đính kèm các nút, sợi chỉ, các dải ruy băng hay bất cứ thứ gì mà bé có thể giật ra và cho vào miệng.

Bé đủ sức để điều khiển được đồ chơi của mình
Ví dụ như, nhiều bậc phụ huynh tiết kiệm bằng cách mua cho con những chiếc xe đạp to quá cỡ để khỏi phải mua chiếc mới, lớn hơn vào năm sau. Điều này có thể dẫn tới việc bé bị chấn thương nặng nếu chưa đủ kỹ năng điều khiến chiếc xe đạp to hơn. 

Chất lượng đồ chơi tốt
Những đồ chơi dùng lại của anh em, họ hàng hay mua ở các kho giảm giá có thể đã bị hỏng hay sờn và gây nguy hiểm cho bé. Khi chọn đồ chơi cho con, dù cũ hay mới, bạn hãy để ý từng cái nút, cục pin, dải ruy băng, mắt, các chuỗi hạt và cả những vật đính thêm bằng nhựa bởi bé có thể dễ dàng nhai hay cắn.

Đồ chơi không có những sợi dây dài hơn 30 cm.
Sợi dây dài như vậy có thể quấn quanh cổ bé và gây nghẹt. Nếu bạn cho con ở trong cũi, khi bé đã biết bò, hãy gỡ bỏ sợi dây vốn dùng để vòng qua người bé lúc nhỏ để giữ an toàn và cả những thứ di động treo xung quanh cũi.

Tránh xa các đồ chơi có đính kèm thanh nam châm nhỏ
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trẻ em đã gọi các thanh nam châm là mối nguy hiểm tiềm tàng trong nhà. Những mảnh nam châm nhỏ nhưng có sức hút lớn thường sử dụng trong đồ chơi và có thể rơi ra, khiến bé nuốt phải. Hai hay nhiều thỏi nam châm (hay một miếng nam châm và một đồ bằng kim loại) có thể hút nhau qua thành ruột, gây xoắn và kẹp ruột, làm thủng, nhiễm trùng và xấu hơn nữa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Các nhà sản xuất khuyên không nên cho trẻ dưới 6 tuổi chơi các đồ có nam châm. 

Minh Thùy (theo Baby Center)

5 trò chơi phát triển khẩu ngữ cho trẻ


Các chuyên gia cho rằng dạy bé từ 1 đến 3 tuổi tập nói tốt nhất thông qua các trò chơi.

5 trò chơi phát triển khẩu ngữ cho trẻ, Làm mẹ, tro choi phat trien ngon ngu, tro choi phat trien khau ngu cho tre, tro choi tot cho be, tro choi cho tre, lam me, nuoi day con, bao phu nuĐể bắt đầu những trò chơi phát triển ngôn ngữ bạn cần chuẩn bị cho bé những chiếc hộp. Hãy gọi chúng là những “hộp vàng” – chắc bé sẽ rất thích định nghĩa này.

Những chiếc thuyền
Mục đích trò chơi – phát triển việc thở ra đều, mạnh.
Bạn hãy đổ nước vào chậu hoặc bát to. Để 3 cái “hộp vàng” rỗng vào. Cần thổi chúng chuyển động từ bờ bên này sang bờ khác. Bạn nói với bé: “Con tưởng tượng xem, đây là biển nhé. Để cho tàu ra khơi, cần có gió đẩy thuyền đi. Con hít sâu vào rồi thổi mạnh đi!”. Điều quan trọng là theo dõi việc thở ra. Đừng nên chơi lâu, vì bé có thể bị chóng mặt. Để kích thích khẩu ngữ của bé, bạn hãy đặt những câu hỏi: “Thời tiết trên biển thế nào con nhỉ?”, “Con thấy thuyền trưởng trông như thế nào?”…

Một dàn nhạc đặc biệt
Mục đích trò chơi – phát triển việc tiếp nhận âm thanh.
Cần 6 “hộp vàng” và 3 kiểu vật liệu hạt rời (ngũ cốc, đường, bột, hạt cườm,…). Điều quan trọng là đổ từng đôi hộp số lượng vật liệu như nhau để âm thanh trùng nhau chính xác. Nhưng âm thanh của đôi hộp này cần khác biệt với đôi khác. Một bộ đưa cho bé, còn bộ kia bạn hãy giữ. Người lớn cần lắc “thùng” bất kì, còn bé cần tìm trong bộ của mình cái thùng có âm thanh y như thế. Bạn hãy tăng dần số lượng hộp. Hãy nghĩ ra những tên gọi lí thú cho những dụng cụ đó: Tiếng ồn, quả bom,… Trẻ em rất thích điều đó.

Bài hát kì diệu
Mục đích trò chơi – hát những nguyên âm.
Nguyên âm biểu hiện vẻ đẹp của ngôn ngữ, vì thế cần một phát âm rõ ràng: Phát âm “a” – miệng mở rộng (như “cái cửa sổ nhỏ”), phát âm “o” – đôi môi tròn lại một tí và giơ ra phía trước (như “cái ống nhỏ”), phát âm “i”- môi cười, thấy được răng (như “hàng rào nhỏ”).
Cần có 4 “hộp vàng” (mỗi cái dành cho một nguyên âm). Trên mỗi hộp vẽ khuôn mặt người: Mắt, tai, mũi, môi với diễn đạt âm thanh cần thiết.
Cần chỉ cho bé theo trình tự để bé có thể đoán được cần hát âm gì: “Con hát đi! Con đừng quên phải hít thật nhiều hơi vào để có bài hát dài”. Ví dụ hát bài “Cháu lên ba” toàn bằng âm “a”.
Sau đó bạn hãy luyện với bé những bài 2 – 3 nguyên âm (ví dụ “A-a-a-u-u-u!” và bằng những ngữ điệu khác nhau (nghịch ngợm, hát ru,…)

Cần cẩu
Mục đích trò chơi – luyện cơ miệng
Cơ miệng chịu trách nhiệm về phát âm đúng nhiều âm. Ví dụ, nếu như cơ miệng kém phát triển, âm “o” và “u” sẽ giống nhau, âm “s” không rõ ràng.
Cần 3 “hộp vàng”, chính xác hơn là 6 nửa của chúng. Người lớn đặt một nửa lên bàn, còn bé thì dùng môi di chuyển chúng. Bạn hãy nói với bé: “Con cứ tưởng tượng, mình đang ở công trường xây dựng. Con là chiếc cần cẩu. Con cần phải đem từng phần nhà tới nơi cần thiết”. Nếu những hộp đó to quá với bé thì hãy lấy những thứ nhỏ hơn, nhưng đừng nhỏ quá để bé khỏi nuốt chúng.
Để mở rộng vốn từ vựng của bé bạn hãy hỏi bé: “Chúng ta xây gì nhỉ?”, “Ai sẽ sống trong ngôi nhà này?”

Cái bao bí ẩn
Mục đích trò chơi – nhận biết đồ vật qua cảm ứng
Cần một cái bao hoặc túi không trong suốt để không nhìn thấy được những vật dụng bên trong túi. Cho vào đó những đồ vật hình oval và hình tròn (trứng, quả bóng nhỏ, bóng lục lạc, “hộp vàng”,…).
Trước khi người lớn cho những vật trên vào bao, hãy cho bé sờ chúng trước. Sau đó, đề nghị bé tìm vật cần thiết qua cảm ứng: “Bàn tay con có đôi mặt thần kì đó. Con hãy nhìn và chú ý lấy cho mẹ quả bóng xem nào!” (hoặc vật khác). Bạn hãy hỏi bé về đồ vật bé lấy ra khỏi bao: “Đây là cái gì?”, “Có thể chơi bóng như thế nào nhỉ?”.
Trong tất cả những trò chơi nêu trên các bạn có thể thay đổi vai. Nên làm khi bé đã biết rõ quy tắc chơi và khẩu ngữ của bé đủ để cho phép bé dẫn trò chơi. Trò chơi sẽ thú vị và hấp dẫn hơn nếu có một vài trẻ em và người lớn chơi cùng.